Kết nối với chính mình

Học thuyết vòng tròn hỗ trợ (Ring theory)

Vẽ vòng tròn những người hỗ trợ của bạn

👫 Số lượng tham gia:

1 người

🎚️ Độ khó:

Vừa phải

⏳ Tổng thời lượng:

Thực hành xuyên suốt trong cuộc sống

🧳 Cần chuẩn bị:

1 tờ giấy, 1 cây bút, cuốn sách “Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy” của Sheryl Sandberg và Adam Grant (nếu bạn tò mò muốn tìm hiểu thêm về cuốn sách này!)

🌱 Kỹ năng/Giá trị nuôi dưỡng:

Tình bạn, Sự thuộc về, Quan tâm, Sự gần gũi, Cho đi, Sự tương hỗ, Mối quan hệ với người khác

📍Giới thiệu hoạt động

Khi bạn trải qua một khó khăn hoặc thách thức, nỗi đau không chỉ xuất phát từ chính khó khắn đó mà còn từ cảm giác hệ thống hỗ trợ của bạn đồng thời cũng sụp đổ dưới chân bạn, khiến bạn không còn gì để bám víu. Bạn cảm thấy mình không đủ khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác. Và khi người gặp phải khó khăn là bạn bè hay người thân của bạn, không phải lúc nào bạn cũng là người thích hợp để hiện diện và thấu cảm cho họ. Vậy làm thế nào để học cách trao đi và nhận lại sự hỗ trợ trong những thời điểm cực kỳ khó khăn một cách thích hợp nhất?

Bài tập này được lấy cảm hứng từ cuốn sách Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy, do Sheryl Sandberg và Adam Grant đồng sáng tác. Đây là một kỹ thuật đơn giản xoay quanh ý tưởng cơ bản "mang dễ chịu VÀO, trút khó chịu RA" (comfort IN, dump OUT) có thể áp dụng với mọi loại khủng hoảng bạn gặp trong cuộc sống.

🎯Các bước thực hiện

Bước 1 – Vẽ một vòng tròn

Lấy một tờ giấy trắng và một cây bút rồi vẽ một vòng tròn ở giữa. Đây là vòng tròn trung tâm. Trong đó, hãy ghi tên của người (hoặc những người) ở trung tâm của khủng hoảng hiện tại đang xảy ra.

Bước 2 – Vẽ các vòng tròn đồng tâm

Vẽ một vòng tròn lớn hơn xung quanh vòng tròn đầu tiên. Ghi vào đây ghi tên của những người tiếp xúc gần nhất với khủng hoảng - những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự kiện này.

Tiếp tục vẽ những vòng tròn đồng tâm lớn hơn cho những người liên quan dựa trên mức độ khủng hoảng có thể tác động tới họ. Lặp lại quy trình này nhiều lần tùy theo nhu cầu của bạn. 

Sau khi hoàn thành, bạn sẽ nhìn thấy được Thứ tự Than vãn trong mô hình vòng tròn vừa vẽ.

Bước 3 – Mang đến sự thoải mái và tìm kiếm sự thoải mái

Hãy nhìn vào Thứ tự Than vãn trong vòng tròn và để tâm đến vị trí của bạn (bạn có thể nằm ở vòng tròn trung tâm trong cùng nếu bạn là người bị khủng hoảng tác động nhiều nhất, hoặc có thể một người bạn/ người thân của bạn đứng ở vị trí này trong khi bạn ở các vòng bên ngoài).

Đến đây, mời bạn làm theo quy tắc này: Người có tên ở vòng tròn trung tâm có thể nói bất cứ điều gì họ muốn với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu. Những người còn lại trong mô hình vòng tròn cũng có thể nói những điều đó, nhưng chỉ với những người ở vòng tròn phía bên ngoài vòng tròn của họ - những người ít chịu tác động bởi khủng hoảng hơn.

Nếu một người ở vòng ngoài nói chuyện với một người ở vòng tròn nhỏ hơn mình (tức là người chịu nhiều ảnh hưởng của khủng hoảng hơn), mục tiêu trò chuyện là để an ủi và giúp đỡ họ. Khi ấy việc lắng nghe thường hữu ích hơn việc nói ra. Thay vì đưa ra lời khuyên cho người đang gặp khó khăn hơn mình, hãy chỉ tập trung xoa dịu và hỗ trợ họ. Thay vì bảo “Mấy chuyện của cậu sao bằng chuyện tớ đã trải qua” hay “Nếu tớ là cậu thì tớ sẽ làm như này”, hãy nói “Thật tiếc vì chuyện này đã xảy ra với cậu”, “Hẳn là khó khăn với cậu lắm nhỉ” và “Để tớ pha cho cậu cốc trà nhé?”.

Tóm lại ý tưởng này rất đơn giản: Mang sự an ủi đến cho những người trong vòng tròn nhỏ hơn bạn và tìm sự an ủi từ những người trong vòng tròn lớn hơn bạn.

🧑💻Người dịch và tổng hợp

Phong

🌏 Nguồn tham khảo:

The Recipes for Well-being