circle
Kiến thức

Trải nghiệm cá nhân: Đưa vòng tròn vào giáo dục đại học

Diệu Linh
5 phút

Tôi dạy tại Trường Cao đẳng Kinh doanh và Kinh tế thuộc Đại học Western Washington, trường đại học công lập lớn thứ ba của bang Washington, có trụ sở tại Bellingham, Washington. Ngoài kinh nghiệm giảng dạy, tôi còn là một thực hành viên vòng tròn có kinh nghiệm, đã sử dụng phương pháp Vòng Tròn -  The Circle Way (TCW) kể từ khi thành lập vào giữa những năm 1990 với tư cách là một nhà điều hành HR/OD và là một nhà khai vấn lãnh đạo.

Vào năm 2016, tôi đã chọn TCW làm tài liệu phụ bắt buộc cho tất cả các lớp học của mình. Điều này không những cho phép tôi dạy TCW cho sinh viên của mình mà còn có thể thiết kế trải nghiệm trong lớp bằng cách sử dụng các nguyên tắc và thực hành của TCW. Tôi muốn cho sinh viên mình thấy những thực hành cụ thể về kỹ năng lãnh đạo hợp tác và luân phiên bằng hành động, cũng như kỹ năng lắng nghe chú tâm, phát biểu có chủ đích và quy trình của Vòng Tròn. Tôi tin rằng một cách tự nhiên, TCW là cách tiếp cận phù hợp để sinh viên trực tiếp trải nghiệm cách mà quy trình hoạt động. Tôi cũng tin rằng quy trình này sẽ củng cố các mối quan hệ cũng như tạo ra một môi trường thân mật và hỗ trợ hơn để nâng cao việc học tập. Sinh viên được yêu cầu mua tài liệu của TCW và đọc sáu chương đầu trước buổi học đầu tiên.

Ngay từ đầu, hầu hết sinh viên đều hào hứng với ý tưởng này, mặc dù một số vẫn cảnh giác và tự hỏi liệu điều này có hơi kiểu “tâm linh” (1)  không? Tôi đề nghị họ tin tưởng vào quy trình, sẵn sàng và cởi mở để trải nghiệm kết quả.

Cách chúng tôi bắt đầu:

Sau khi đọc từ chương 1-6 trong TCW, sinh viên sẽ có hiểu biết cơ bản về cơ chế, cũng như ý nghĩa trong vòng tròn. Tôi giải thích về vai trò người bảo hộ và rằng trong hai buổi đầu tiên, tôi sẽ đóng vai trò là “người bảo hộ chính”, nhưng mọi người đều được khuyến khích/được kỳ vọng sẽ tham gia hỗ trợ khi xuất hiện tình huống trong lớp cần một hành động bảo hộ. 

Trong buổi học đầu tiên, tôi trả lời tất cả các câu hỏi của sinh viên về quy trình và làm mẫu một vòng tròn. Tôi giải thích rằng “Trung tâm Vòng tròn” của chúng tôi sẽ là chương trình giảng dạy trong lớp cũng như bất cứ điều gì mà mọi người muốn đóng góp về lý do TẠI SAO họ đi học tại ngôi trường này/tham gia lớp học này. Để giúp sinh viên hiểu rõ hơn, tôi giao cho mọi người một bài tập viết về “TÔI LÀ AI” bằng văn bản trong đó thông báo cho cả lớp biết họ là ai với tư cách sinh viên và lý do họ có mặt ở trường. Tôi khuyến khích các em làm điều này theo bất kỳ cách nào khiến các em cảm thấy có động lực: có thể là viết một bài thơ, trình diễn một đoạn rap, kể một câu chuyện, vẽ một bức tranh, sử dụng tranh ảnh hoặc ảnh chụp, viết một vở kịch, v.v. (Điều duy nhất họ không thể làm là sử dụng PowerPoint). Tôi chia sẻ một ví dụ về bản thân mình và giải thích rằng họ sẽ làm tương tự trong buổi thứ hai.

Khi buổi học thứ hai bắt đầu, chúng tôi “đi sâu vào vào trải nghiệm”. Để thể hiện sự chuyển giao cần thiết từ cuộc trò chuyện thông thường sang các cuộc đối thoại trong môi trường học tập, tôi rung chiếc chén hát Tây Tạng (singing bowl) và nói với họ rằng chúng tôi sẽ sử dụng chén hát này mỗi khi bắt đầu, bước vào/bước ra khỏi lớp học vòng tròn. Tôi đặt giáo trình ở trung tâm vòng tròn. Sau đó, chúng tôi check-in bằng câu hỏi "Hôm nay mình đến lớp với trạng thái thế nào." Mình có mệt không? Hào hứng? Lo lắng? Thận trọng? Bận? Có điều gì đang xảy ra trong cuộc sống cá nhân mà mình muốn các bạn cùng lớp biết về điều đó có thể ảnh hưởng đến tinh thần của mình ra sao?

 

                                               Chén hát Tây Tạng - Nguồn ảnh: Internet

Đây là một nghi thức khởi đầu đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại dịch vì nhiều sinh viên đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe và các thay đổi khác nhau, thường là chăm trẻ hoặc người cao tuổi. Sau khi mọi người đều đã check-in, tôi rung chuông một lần nữa để báo hiệu rằng hoạt động này đã kết thúc và chúng tôi sẽ chuyển sang hoạt động tiếp theo, đó sẽ là bài tập “TÔI LÀ AI”. Tôi mời một người tình nguyện làm trước, rung chuông và chờ đợi.

Thông thường, phải mất một hoặc hai phút trước khi có a đó xung phong. Sau khi hoàn thành, họ được hướng dẫn chọn người tiếp theo và cứ thế tiếp tục cho đến khi hết buổi học. Nếu có một câu chuyện đặc biệt sâu sắc có tác động mạnh mẽ đến chúng tôi, tôi sẽ rung chuông và mời gọi một khoảng lặng chiêm nghiệm để chúng tôi tái tập trung và có thể lắng nghe người tiếp theo. Chúng tôi đi lần lượt cho đến khi mọi người đều có cơ hội nói hoặc “pass” (bỏ qua), và sau đó chúng tôi cho những người đã “bỏ qua” ban đầu một cơ hội khác để chia sẻ. Lưu ý: Tôi sẽ không ép sinh viên làm bài tập này trong lớp nếu họ thực sự không muốn làm, nhưng tôi muốn họ nộp một tài liệu bằng văn bản để trả lời câu hỏi "Tôi là ai". 

Cho đến nay, tôi chưa có học sinh nào chọn bỏ qua bài tập này hoàn toàn. Sau vòng này, tôi rung chuông và chúng tôi nghỉ 15 phút. Khi chúng tôi trở lại, tôi rung chuông để bắt đầu module giảng dạy đầu tiên trong ngày. Thỉnh thoảng, tôi quên rung chuông khi kết thúc một phần, và theo thời gian, một sinh viên sẽ hô to, “Giáo sư, nhớ rung chuông để chúng em biết khi nào kết thúc”. Đó là khi tôi biết mọi người đang bắt đầu hiểu và sống với tiến trình.

Thường thì đến buổi thứ tư, một sinh viên sẽ yêu cầu trở thành người bảo hộ chính và phụ trách rung chiếc chén hát. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời và đúng thời điểm để chuyển giao trách nhiệm này. Vào cuối quý, gần như tất cả sinh viên đều yêu cầu luân phiên làm người bảo hộ. Trên thực tế, đôi khi một vài sinh viên sẽ đội mũ hoặc đeo ghim làm chỉ dấu để mọi người biết người giám hộ trong ngày là ai. Chúng tôi cũng sử dụng “vật nói” (talking piece) trong một số cuộc trò chuyện. Đây là nhịp điệu chung của lớp học vòng tròn của chúng tôi: thủ tục quản lý lớp/check-in/giảng dạy các module. Và nếu chúng tôi còn thời gian thì sẽ làm một phần check-out nhanh: Mọi người rời khỏi lớp với tâm thế như thế nào?

Quan sát chung:

Thông thường, quy trình TCW như tôi mô tả ở trên hoạt động hiệu quả và đến cuối quý, tôi thường nhận được những nhận xét như: “Chà, đây là một quy trình tuyệt vời…và có một số thứ tôi thấy có thể đem vào nhà thờ, trong gia đình, tại nơi làm việc, hoặc một nhóm mà tôi đang tham gia, v.v.” Một lưu ý rõ ràng là lớp học vẫn là một “cấu trúc có thứ bậc”, mà ở đó tôi chịu trách nhiệm về điểm số của sinh viên và việc tôi chọn dẫn dắt lớp theo cách này không phải là điều gây tranh cãi hoặc là chủ đề nóng (thường là vậy). 

Tuy nhiên, thường tôi sẽ có một hoặc hai sinh viên muốn thảo luận về “quy trình chúng ta đang sử dụng” và chúng tôi làm điều đó trước cả lớp, để sinh viên có thể trải nghiệm cách tôi thực hành các nguyên tắc của TCW: lắng nghe chú tâm, nói có chủ đích, mời khoảng lặng, sử dụng vật nói nếu phù hợp, hỏi xem liệu sinh viên có sẵn sàng thử hay không, tóm tắt lại những bất đồng của họ.

Trên thực tế, trong một số buổi có chủ đề như đàm phán và quản lý xung đột, việc sử dụng phương pháp TCW rất hiệu quả vì tôi có thể trình bày các kỹ thuật đàm phán và hỏi: "Phương pháp đó có hiệu quả không?",… từ đó mở ra một cuộc thảo luận. Quy trình này mời gọi sự tham gia vào lớp học một cách tuyệt vời và khuyến khích việc lắng nghe/chú ý. Năng lực lãnh đạo thường bùng nổ khi sinh viên có được lòng can đảm, kỹ năng cũng như cảm thấy được hỗ trợ chứ không phải bị ép buộc ở chế độ “làm để được cho điểm”. Họ nhận được điểm khi tham gia lớp học và tham gia vào quy trình TCW chứ không phụ thuộc vào việc họ tham gia như thế nào).

Trong thời gian bùng phát đại dịch Covid, ban đầu tôi có chút lo lắng liệu TCW có hiệu quả khi làm từ xa vì chúng tôi không thể gặp mặt trực tiếp, không thể có một trung tâm vật lý và sử dụng các vật nói để trao đổi. Nhưng trớ trêu thay, theo một số cách, tôi nghĩ TCW phù hợp để làm việc từ xa hơn và giúp chúng tôi gần gũi với nhau hơn là tiếp xúc vật lý. Một phần vì tôi tin rằng chúng tôi gặp gỡ nhau trong một "môi trường gia đình", tôi khuyến khích sinh viên chia sẻ không gian, tác phẩm nghệ thuật và giá sách của họ. Chúng tôi gặp thú cưng của mọi người, đôi khi là thành viên gia đình, và thường trải nghiệm sự hiện diện của nhau ở mức độ mà không có trong lớp học chính thức.

Một trong những điều tôi thường làm khi cho sinh viên xem tác phẩm "Tôi là ai" của tôi là cho họ "ghé thăm" văn phòng nhỏ tại nhà tôi để họ có thể nhìn thấy kệ sách, bàn làm việc, đống tài liệu, bộ sưu tập và tác phẩm nghệ thuật của tôi. Tôi tin rằng điều đó khiến tôi trở nên “người” và dễ gần hơn trong vai trò người dẫn dắt họ. Tôi thường nán lại trên Zoom sau giờ học, giống như tôi vẫn làm trên các lớp offline. Vì vậy nếu sinh viên muốn trò chuyện về bất cứ điều gì,…có liên quan đến lớp học hay không, tôi sẽ tham gia.

TCW có luôn hoạt động hiệu quả không?

Không, không phải lúc nào cũng vậy. Vì một số lý do, một số lớp dường như “tham gia” vào quy trình nhanh hơn và dễ dàng hơn những lớp khác. 

Tuy nhiên, nhìn chung, với tư cách là một giảng viên đại học, tôi thấy việc sử dụng TCW làm bộ khung cho các khóa học của mình đã hoạt động tốt và tôi không thể tưởng tượng được việc không sử dụng TCW—nó thực sự đã trở thành bản năng thứ hai (2). Các đánh giá khóa học của tôi phản ánh rằng sinh viên đánh giá cao phương pháp này. Tôi khuyến khích bất kỳ người hướng dẫn học thuật nào thử nghiệm với tiến trình - và hiểu rằng TCW có thể được linh động áp dụng trong môi trường học tập. Đặc biệt là, đây là một tiến trình rất cởi mở để quan sát và cùng chiêm nghiệm cách mà chúng ta giao tiếp với nhau. Mọi trải nghiệm đều đem lại những bài học—và đó không phải là một trong những điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra trong lớp học sao?

Chú thích:

(1) Nguyên văn: New Agey: liên quan đến thời kỳ New Age trong những năm 70 của thế kỷ trước. Giai đoạn nổi lên một loạt các phong trào tâm linh và khai mở nhận thức, bao gồm nhiều chủ đề từ niềm tin vào thuyết tâm linh (spiritualism) và tái sinh (reincarnation) đến sự ủng hộ các phương pháp tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe và sinh thái.

(2) Nguyên văn: Second nature: Bản năng thứ hai, chỉ thói quen/hành vi/tính cách thực hiện trong một khoảng thời gian dài hoặc thường xuyên và được coi như giống với yếu tố bẩm sinh hoặc bản năng nhưng nhờ học được mà có.

Về tác giả: Pamela Sampel là một giáo sư, nhà văn, người điều phối retreat và linh hướng, với 30 năm kinh nghiệm chuyên về lãnh đạo hợp tác và phát triển kỹ năng trí tuệ cảm xúc.

Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ về quản lý kinh doanh và quản lý tổ chức phi lợi nhuận cũng như các chứng chỉ về khai vấn lãnh đạo và định hướng tâm linh. Bà hiện đang làm giáo sư (NTT) tại Trường Cao đẳng Kinh doanh và Kinh tế thuộc tại Đại học Western Washington (WWU), điều phối Sanctuary and Sustenance - một không gian viết lách dành cho phụ nữ. Bà cũng đang viết một cuốn hồi ký tại nhà của mình ở Port Townsend bên bờ biển Salish. Tìm hiểu thêm về Pamela tại www.pamelasampel.com.

circle

Nhận bản tin hàng tháng và các tài nguyên hữu ích từ Tròn Lành