Một bài tập giúp định hình lại câu hỏi của bạn theo hướng quyền năng hơn
Mục đích của bài tập này là mỗi người tham gia sẽ rời đi với một phiên bản cải tiến của câu hỏi mà họ mang tới lúc ban đầu. Cũng sẽ rất hữu ích nếu người tham gia thực hành đặt những câu hỏi “huấn luyện” (coaching) quyền năng theo hướng rộng mở, không dẫn dắt, không phán xét và mời người đặt câu hỏi đào sâu hơn vào câu hỏi ban đầu của họ. Bằng cách tập trung vào câu hỏi thay vì câu trả lời, người đặt câu hỏi sẽ thực sự có được những hiểu biết hữu ích giúp họ tiến gần hơn đến việc trả lời chính câu hỏi đó.
Khi nào nên áp dụng bài tập này?
Trong những tình huống yêu cầu sự hiện diện và đóng góp đầy đủ của mỗi cá nhân, ví dụ như các cuộc họp cộng đồng thực hành hoặc các cuộc họp trong mạng lưới. Các buổi đào tạo cũng được hưởng lợi rất nhiều từ bài tập này.
Khi nào không nên áp dụng bài tập này?
Trong những tình huống có tiến trình đã được lên kế hoạch cụ thể và chặt chẽ, vì bài tập này khuyến khích tính đa dạng và sự tham gia của cá nhân - điều có thể ảnh hưởng đến sự suôn sẻ của tiến trình đã dự tính trước. Hãy để tâm tới những tình huống mà mọi người cần rất nhiều sự an toàn và một không gian bao chứa thật gần gũi, vì bản chất của bài tập này có xu hướng khiến mọi người mở lòng ra và họ có thể cảm thấy khá thử thách. Ngoài ra, hãy lưu tâm đến nền văn hóa cụ thể mà bạn định đưa bài tập này vào. Trong một số bối cảnh, mọi người có xu hướng đặt câu hỏi chỉ để đánh đổ các vị trí khác hoặc người khác, và bài tập này có thể cần vài sự chuẩn bị thì mới có thể “hạ cánh” tốt đẹp ở một nơi như này.
Bạn có thể đọc hướng dẫn gốc của bài tập và tìm hiểu thêm về Nghệ thuật Chủ trì và Đón cuộc trò chuyện ý nghĩa tại đây: https://www.artofhosting.org.
Nhóm bắt đầu ngồi thành vòng tròn. Mỗi người nhận được một tờ giấy nhớ (hoặc một mẩu giấy) và một cây bút. Người hướng dẫn giới thiệu mục đích của bài tập (theo phần mô tả bên trên) và dành một vài phút để làm rõ những gì góp phần tạo nên một 'câu hỏi quyền năng' (powerful questions), ví dụ như câu hỏi rộng mở, không dẫn dắt, không phán xét, tập trung vào các khả năng mới. Sau đó, mời người tham gia viết ra một câu hỏi quan trọng nhất đối với họ tại thời điểm hiện tại. Câu hỏi không cần hoàn hảo, vì bài tập này sẽ giúp họ cải thiện câu hỏi của mình.
Sau khi mỗi người đều đã viết ra câu hỏi của mình, chia người tham gia thành các nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm gồm 4-5 người.
Các thành viên trong nhóm nhỏ sẽ trò chuyện với nhau để hỏi về các câu hỏi, tập trung vào câu hỏi được viết ra tại Bước 1 của một người tham gia tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, các thành viên chỉ được trao đổi bằng cách đặt câu hỏi - không nhận định, không chia sẻ quan điểm cá nhân. Nếu ai đó đưa ra một nhận định, mọi người trong nhóm sẽ hỏi lại: “Bạn có câu hỏi nào đằng sau nhận định này không?".
Người điều phối chung đưa ra một vài ví dụ về các loại câu hỏi mà người tham gia có thể sử dụng trong bài tập nhóm nhỏ:
Trong nhóm nhỏ, một người xung phong đầu tiên và đưa ra câu hỏi của mình, và nếu câu hỏi đủ ổn (ví dụ: câu hỏi rộng mở, không dẫn dắt, không phán xét,...) thì hoạt động có thể bắt đầu. Nếu câu hỏi chưa đủ ổn, các thành viên trong nhóm có thể giúp định hình lại câu hỏi sao cho rộng mở, không dẫn dắt, không phán xét,...
Ví dụ, nếu câu hỏi ban đầu là "Làm thế nào để tôi có thể trở thành một người mẹ tốt hơn?". Có thể nhận ra ở đây có một sự phán xét theo hướng tiêu cực rằng “Tôi chưa phải một người mẹ tốt”. Một cách tốt hơn để định hình lại câu hỏi có thế là "Làm thế nào để tôi có thể khai thác trí tuệ làm mẹ bẩm sinh bên trong mình?"
Khi câu hỏi đã tương đối ổn, bấm thời gian 5 phút. Các thành viên trong nhóm lần lượt(bao gồm cả người đặt câu hỏi) đặt ra những câu hỏi quyền năng về câu hỏi đó. Ví dụ: "Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn trả lời được câu hỏi này?" hoặc "Bạn và những người thân yêu của bạn có thể trải qua những thay đổi nào?" hoặc "Nhiệm vụ đằng sau câu hỏi này là gì?" v.v. Ngoài ra, bạn cũng có thể không bấm giờ và để mỗi vòng đặt câu hỏi diễn ra tùy theo nhu cầu của nhóm, tin tưởng vào quá trình và tin rằng mọi người sẽ đạt được điều gì đó từ trải nghiệm này.
Sau khi hết 5 phút, lặp lại quy trình này với một thành viên khác trong nhóm cho đến khi mọi người đều rời đi (tất nhiên là nếu họ muốn).
Người điều phối phát một tờ giấy nhớ mới cho mỗi người tham gia (tốt nhất là giấy màu khác với màu giấy ghi câu hỏi ở Bước 1) và mời người tham gia viết xuống câu hỏi mới nảy sinh từ cuộc trò chuyện. Mời mọi người đính cả hai tờ giấy lên tường, nơi mọi người có thể nhìn thấy câu hỏi của mình trước và sau khi thực hành bài tập này.
Bạn cũng có thể mời mọi người trò chuyện về trải nghiệm của họ trong suốt hoạt động này, ví dụ: Bạn học điều được gì về câu hỏi của mình? Bạn thấy sao khi chỉ đưa ra những câu hỏi quyền năng và không đưa ra nhận định nào cả?