Sức dung chứa của người điều phối càng lớn, thì sức co giãn của vòng tròn càng rộng.
Đó là điều tôi học được trong quá trình học làm điều phối của mình.
Trong tiếng Anh, chúng ta có từ “hosting” và “facilitation”, trong tiếng Việt thì mới chỉ có từ “điều phối”. Thật ra từ “hosting” mang ý nghĩa ấm cúng hơn, như thể bạn là người chủ nhà (host) và chào đón những người tham gia như những vị khách quý đến chơi, tiếp đãi chu đáo và để ý xem khách có đang thoải mái không. Đương nhiên vì mình là “chủ nhà”, nên tâm thế mình thường sẽ thoải mái hơn vì đang ở “nhà” của mình, ở nơi quen thuộc với mình. Còn phần lớn, “khách” là khách, họ sẽ cảm thấy có chút ngần ngại, e dè, lạ lẫm. Nên “nhiệm vụ” của chủ nhà là tạo bầu không khí dễ chịu để khách có thể thoải mái chia sẻ tự nhiên như ở nhà, tự nhiên được là mình.
Đương nhiên, bạn cũng có thể “host” ở một cuộc họp công ty. Nhưng tôi cho rằng, không khí ấy mang tính “điều phối”-facilitate nhiều hơn. Điều phối nghĩa là điều hòa dòng chảy của các hoạt động một cách trôi chảy từ đầu đến cuối, có thể là các hoạt động trong một dự án, có thể là trong một buổi họp, hoặc trong một cuộc gặp gỡ, trò chuyện như vòng tròn. Ở một khía cạnh nào đó, hai từ ấy có thể dùng thay cho lẫn nhau, nhưng ở trong một số bối cảnh khác, tôi cảm thấy cách dùng từ có thể mang đến cho ta cảm giác cởi mở hay e ngại để tham gia vào vòng tròn. Trong vòng tròn đón các em thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, nếu gọi mình là “điều phối” và việc tôi làm là “điều phối vòng tròn”, thì nghe thật “lớn lao” và có phần xa cách với các em. Nhưng khi chỉ đơn giản gọi mình là “chị”, là người đón vòng tròn, để mở ra một không gian và mời các em đến chia sẻ câu chuyện, đâu đó nó đã trở nên gần gũi hơn.
Quay trở lại với vai trò là “host”, là chủ nhà, đương nhiên khi đón rất nhiều khách, sẽ luôn gặp những vị khách “không dễ thương” (không dễ thương ở đây là theo ấn tượng ban đầu của mình, cảm giác nhất thời của mình với người đó). Có thể vị khách ấy sẽ ngắt lời một người khác, hoặc “chiếm sóng” nhiều hơn, say sưa kể câu chuyện của mình mà quên mất thời gian. Có những vị khách khác thì vì đã trải qua một tình huống nào đó rồi, có cảm giác mình có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ những bạn khác trong vòng tròn - những người vẫn còn đang vật lộn, nên sẽ chia sẻ thật là hào hứng về việc các bạn nên làm thế này, không nên như thế kia. Là chủ nhà, ta nên làm gì đây? Dừng vị khách “nhiệt tình” kia lại như thế nào để không làm vị ấy xấu hổ, và cũng không làm cho người được “nhận lời khuyên” cảm thấy yếu thế hơn?
Là người đón vòng tròn khi ấy, chúng tôi hay nói với nhau là, càng làm nhiều, càng có kinh nghiệm thì sẽ đưa ra những can thiệp đúng mực một cách tự nhiên hơn. Tuy nhiên điều đó không chỉ dừng lại ở ‘kĩ năng can thiệp” ở bề mặt - một thứ bạn có thể học hỏi và rèn luyện cho mình. Nếu một người điều phối chỉ học kĩ năng một cách máy móc, sẽ chưa phải là một người điều phối giỏi. (xin phép dùng từ “giỏi” ở đây, cho ngắn gọn, để chỉ về một người điều phối có kinh nghiệm khi họ có thể xử lý những tình huống khó trong vòng tròn mà vẫn đảm bảo được lợi lạc của cả nhóm.)
Vậy một người điều phối “giỏi” cần có thêm điều gì, ngoài những kĩ năng và kinh nghiệm?
Đó là điều tôi vẫn tự hỏi mình suốt bao năm qua. Nếu tôi thuộc lòng những công thức, thành thạo những kĩ năng, có khiến tôi trở thành một người điều phối giỏi hay không? Hay mới chỉ là một người “thợ” giỏi? Một người thợ giỏi là người có thể làm thành thạo tất cả các bước từ đầu đến cuối, thành thạo xử lý vấn đề theo những công thức đã học, và thậm chí có thể nói trôi chảy rằng mình đã làm như thế nào.
Nhưng điều thật sự để lại ấn tượng, thật sự khiến cho những vị khách cảm thấy thoải mái và được chào đón như họ vốn là, lại chính là trái tim người điều phối. Điều phối với một trái tim, rất khác điều phối bằng những công thức, kĩ năng và kiến thức. Đương nhiên, ta vẫn cần điều phối với một cái đầu, nhưng khi đã học xong những kĩ năng, kiến thức rồi, thì cũng cần biết buông nó ra. Điều phối với một trái tim, dù cho có những lúc vô tình phạm lỗi, làm chưa tốt, thì tình thương và cảm xúc vẫn là những thứ có thể đi thẳng đến trái tim của người tham gia mà không cần một kĩ năng, ngôn từ nào cả. Trái tim ở đây có nghĩa là khả năng dung chứa, yêu thương, khả năng rộng mở với lòng từ bi, đón nhận và bao dung với tất cả các vị khách, tất cả nét tính cách khác nhau, những trải nghiệm khác nhau và màu sắc khác nhau của các vị khách đó. Khi trái tim rộng mở hơn, đón được nhiều người hơn, thì ta sẽ càng bình tâm và bao dung hơn trong những tình huống khách của mình “phạm lỗi”. Khi trái tim của người điều phối rộng mở và có nhiều tình yêu thương hơn, thì vòng tròn cũng theo đó mà có khả năng dung chứa nhiều hơn những câu chuyện, suy ngẫm và cảm xúc.
Tưởng tượng trong một vòng tròn, có một vị khách chia sẻ lạc đề, cross-talk (nói chuyện chéo) và quậy tưng bừng. Là một người host, bạn biết đây là một người luôn luôn hành xử như vậy, và cậu ấy nói từ ý định muốn xây dựng, đóng góp chứ không hề có ý ghét bỏ, đánh giá hay bắt lỗi ai. Sau khi cậu ấy chia sẻ, bạn sẽ mỉm cười, cảm ơn bạn ấy, kèm với nhắc lại một ý nào đó mà bạn “thu hoạch” được có ích để các thành viên khác không “lạc lối”. Khi bạn có năng lượng bình tĩnh, bình an thì bạn cũng có thể giúp cả vòng tròn đón nhận vị khách kia một cách bình an hơn. Thường là, bạn sẽ luôn có thể tìm thấy một ý gì đó hữu ích trong chia sẻ của tất cả mọi người trong vòng tròn. Nếu bạn không thấy điều gì hữu ích, mà chỉ là đầy sự không đúng, không nên, thường là vì bạn đang có cảm xúc lên cao như bực bội, khó chịu, bất an mà thôi. Đó là lúc bạn sẽ cần một tiếng chuông và một khoảng lặng để thở, để tìm lại sự cân bằng, bình an bên trong.
Nếu lỡ như, người ấy nói có vẻ “phán xét” hay “đổ lỗi” như: “Tại vì bạn như thế, nên kết quả mới là như thế kia. Còn nếu bạn làm thế này như mình, thì mọi chuyện sẽ khác.” Điều đầu tiên, hãy ghi nhận ý định tốt của bạn như một cách đóng góp cho vòng tròn. Và sau đó bạn có thể nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn chia sẻ của bạn, mình tin rằng mọi người đều đang đóng góp tốt nhất những gì mình có thể cho lợi lạc chung của cả nhóm. Tuy nhiên, mình cũng xin phép nhắc lại một vài thỏa thuận mà chúng ta đã đồng ý với nhau, đó là tôn trọng lựa chọn của mỗi người... Vì thế, thời điểm này bạn cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn mình có nhận những chia sẻ này, những lời gợi ý này hay không, hay bạn sẽ để nó lại ngâm cứu sau. Và chúng ta cũng cùng để ý trong khi chia sẻ, dùng từ “tôi” thay cho từ “bạn” để nói về trải nghiệm mình đã đi qua. Và dừng lại ở đó, mà không cần nói thêm “bạn cần làm gì…” Mình tin là mỗi người sẽ đều nhận được những bài học quan trọng với họ khi lắng nghe câu chuyện.”
Có thể, ban đầu khi mình mới bắt đầu đón vòng tròn, mình đang rất lo lắng tập trung vào tiến trình, và mình không đủ thư giãn, thoải mái để rộng mở trái tim. Có thể một vài lần đầu tiên đó, bạn chỉ cần đơn giản là nghe chuông và hít thở. Có thể bạn sẽ nhắc lại thỏa thuận vòng tròn như một điểm neo vững chắc, có thể bạn quá lo lắng không nói gì cả. Tất cả đều rất bình thường trên hành trình trở thành một người điều phối. Điều quan trọng là, hãy hỏi trái tim của bạn: Mình tạo ra không gian này để làm gì? Nếu mình làm từ tình thương và mong muốn những người khác cũng được ôm ấp, nâng đỡ và được yêu thương ở trong không gian này, thì chỉ cần trong hơi thở đó, bạn gửi đi những niệm lành, gửi đi tình yêu thương với tất cả những người đã chọn đến ngồi vòng tròn với mình.
Thực tế mà nói, cho dù vị khách của bạn không nói được điều gì đúng cả, thì cũng có thể, họ đang nói ra từ một ý định tốt, một ý định đóng góp, xây dựng và giúp đỡ người khác, và đang cố gắng làm tốt nhất trong khả năng kinh nghiệm và những gì họ có thể. Trong bối cảnh ngay lúc đó, những lời khuyên hay câu hỏi đó có thể là chưa phù hợp, nhưng rất có thể trong một thời điểm khác, nó lại trở nên rất hữu ích. Quan sát của mình là, nhiều bạn trẻ luôn có khát khao học hỏi từ những người đi trước như vậy, chẳng qua họ không gặp được và không phải lúc nào cũng được chia sẻ cho kinh nghiệm sâu sắc như trong vòng tròn, nên rất nhiều bạn đón nhận những góp ý, câu hỏi hay lời khuyên trong vòng tròn một cách rất cởi mở và tò mò. Mặc dù thỏa thuận của vòng tròn là không cho lời khuyên hay không cố gắng cứu chữa người khác, nhưng đồng thời, vòng tròn cũng là không gian cho phép sự học hỏi lẫn nhau từ trải nghiệm của tất cả mọi người. Vì thế, đôi khi gặp những người cho lời khuyên trong vòng tròn không hẳn đã là một điều khó khăn.
Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn là thỏa thuận, và vẫn cần được tôn trọng. Hãy nhớ lại những thỏa thuận này được đưa ra để làm gì? Chính là để tạo không gian an toàn, cởi mở cho những câu trả lời được đi lên, những bài học được chia sẻ và những câu chuyện được lắng nghe và thấu cảm. Chúng ta học hỏi tốt nhất không phải trong một môi trường hoàn toàn “vô trùng” và tuyệt đối an toàn. Chúng ta học hỏi tốt nhất trong một môi trường “an toàn đủ” để có thể “giãn nở” bản thân và tiếp cận với những điều mới. Một vòng tròn có khả năng dung chứa càng lớn, thì càng tạo điều kiện cho người tham gia giãn nở bản thân và biết cách tự điều chỉnh, tự thích nghi chính mình với không gian của vòng tròn và của mọi người.
Điều đó cũng đúng với chữa lành. Nếu như ở mãi trong một môi trường an toàn, ta sẽ chẳng bao giờ khơi lên những nỗi đau, những vết thương làm gì, và sẽ chẳng có cơ may nào ta được “phẫu thuật” để chữa trị tận gốc những vết thương đó. Mỗi khi chạm vào một vết thương chưa xử lý, ta sẽ xù lông lên, sẽ tránh né nó hoặc kháng cự nó. Trong nhiều tình huống có không gian an toàn, những cảm xúc khó chịu nổi lên là cơ hội tuyệt vời để ta nhận diện và chăm sóc những vết thương còn chưa lành bên trong chính mình.
Khi bạn có thể cho phép một chút sự khó chịu nhất định diễn ra trong vòng tròn, điều đó đã giúp “nới rộng” không gian vòng tròn ra một chút, để mỗi người cũng “nới rộng” bản thân mình ra một chút. Đó sẽ là cơ hội để mỗi người tự nhìn nhận bản thân và nhận ra điều gì đó mới mẻ, có thể là họ đã chấp nhận được, đã nghe được một quan điểm khác mình mà bình thường mình không chấp nhận, có thể từ đó nảy sinh một cái thấy, một hiểu biết mới đồng cảm hơn với vị khách kia, và có thể vị khách kia cũng dễ dàng tiếp nhận rằng: có lẽ vừa rồi mình đã hơi nhiệt tình quá… Một cách tự nhiên trong không gian vòng tròn, con người chúng ta có khả năng tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình để thích nghi với một tập thể. Một người ít nói sẽ bắt đầu mở lời nhiều hơn, một người nói nhiều sẽ bắt đầu lắng nghe và dừng lại suy nghĩ trước khi nói…
Nếu vị khách đó rất gây rối và không có ý định tốt khi cho người khác lời khuyên thì sao?
Trong trải nghiệm những năm làm điều phối của tôi, không thật sự có một ai mang một ý định xấu vào vòng tròn cả. Bằng một cách thần kỳ nào đó, những người khi đã cất lời trong vòng tròn, luôn mang một ý định, một mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ… nhưng họ chỉ không biết làm cách nào cho tinh tế và khéo léo, chứ không hề có ý định xấu. Việc của người điều phối là hướng dẫn lại một cách kiên nhẫn, cặn kẽ hơn để họ biết lần sau chia sẻ như thế nào cho phù hợp. Ví dụ “dùng từ “tôi” thay cho từ “bạn”, dừng lại suy nghĩ trước khi thấy mình bắt đầu dùng từ “bạn””.
Còn nếu thật sự có tình huống xảy ra, ai đó cố tình phá đám hoặc gây rối trong vòng tròn, và nếu đã nhắc nhở tôn trọng thỏa thuận, được cho cơ hội thứ hai rồi, mà bạn ấy vẫn không thay đổi, có thể bạn sẽ cần cứng rắn hơn một chút và sử dụng “quyền lực” của người điều phối: mời bạn đó tôn trọng thỏa thuận và lắng nghe, hoặc sẽ không tham gia vòng tròn này nữa. Đôi khi nói “không” với một người là nói “có” với một nhu cầu khác của chính họ và của cả nhóm. Trong trường hợp này, vị khách kia có thể cần một khoảng lặng bên ngoài vòng tròn, và cả vòng tròn cần sự trật tự để có thể cảm thấy an toàn.
----------------------
Người điều phối có thể trải qua 7749 tình huống khó, và mỗi tình huống lại khác nhau do bối cảnh, những con người tham gia và kinh nghiệm, trải nghiệm khác biệt của họ. Nếu như chỉ chọn một điều để ghi nhớ, tôi mong bạn có thể hít thở để hiện diện với chính mình. Khi hiện diện, bạn có thể nhớ lại ý định ban đầu của mình khi đến với vòng tròn, có thể giữ tâm thế bình an và trái tim cởi mở, đón nhận và thương tất cả những câu chuyện, những con người mà Vũ trụ đã trao đến cho bạn trong vòng tròn ấy.
Còn bạn, bạn nghĩ sao? Chia sẻ với Tròn lành ở mục Bình luận nhé!