Cùng với người điều phối, “người bảo hộ” sẽ giám sát và giúp bảo vệ, chăm sóc các khía cạnh tinh tế hơn của quy trình vòng tròn. (Sổ tay về Phương pháp vòng tròn - Christina Baldwin và Ann Linnea)
Năng lực có thể bổ trợ tốt cho một người bảo hộ, nằm ở trung tâm của tất cả mọi kĩ năng, chính là khả năng hiện diện (being) - hiện diện với những gì đang diễn ra bên trong mình, cũng như trong không gian của vòng tròn. Việc nhận biết những gì đang diễn ra bên trong, có thể giúp người bảo hộ nhạy cảm hơn với trường năng lượng xung quanh, cũng như đưa ra lựa chọn hành động nhạy cảm với những nhu cầu đang sống động trong vòng tròn. Khi hiện diện, người bảo hộ cũng sẽ luôn tiếp xúc được với nguồn năng lượng vững chãi, tiếp đất để vững vàng xử lý những tình huống khó trong vòng tròn.
Cùng với năng lực hiện diện đó, người bảo hộ có thể rèn luyện cho mình 7 kĩ năng cụ thể sau.
Lắng nghe với sự chú tâm có nghĩa là tập trung cao độ vào những gì người khác đang nói. Trong vòng tròn, lắng nghe thường trở thành một thực hành cao đẹp: chúng ta tiếp nhận những câu chuyện và trải nghiệm sâu sắc của nhau. Việc lắng nghe và được lắng nghe có thể đem đến một cảm giác thỏa mãn. (Sổ tay về Phương pháp vòng tròn - Christina Baldwin và Ann Linnea)
Người bảo hộ cần có kĩ năng lắng nghe chú tâm để có thể quan sát và nắm bắt được những nhu cầu tinh tế của mỗi thành viên trong vòng tròn, dù là qua lời nói hay qua ngôn ngữ cơ thể không lời.
Ví dụ trong một vòng tròn trong gia đình, người bảo hộ có thể để ý thấy người mẹ bắt đầu cảm thấy hơi căng thẳng, hoặc bất an trong lời nói, cách chia sẻ, hay có xu hướng nói xem vào khi đứa con đang nói. Khi đó, người bảo hộ có thể mời mọi người cùng hít thở trong một vài giây, để đưa sự chú tâm về ý định chung và một tâm thế lắng dịu, quân bình hơn, đồng thời sử dụng vật nói để đảm bảo mỗi lúc chỉ có một người chia sẻ và tất cả những người khác lắng nghe cho đến khi người đó nói xong.
Người bảo hộ lắng nghe một cách chú tâm với câu chuyện, nhưng đồng thời không để mình bị cuốn đi theo những dòng cảm xúc và mạch chuyện đó, trái lại cần luôn để ý về mặt thời gian để xem có ai đang chia sẻ quá dài hay có ai chưa có cơ hội chia sẻ để có thể phân bố đủ thời gian cho tất cả mọi người, cũng như tất cả mọi phần của tiến trình vòng tròn.
Ví dụ, ngay từ đầu buổi, hãy lưu ý đến thỏa thuận về thời gian, nhất là nếu bạn đã biết trước có một vài thành viên có thói quen chia sẻ lan man. Trong thỏa thuận “Chia sẻ với sự để tâm” vừa có ý để tâm đến nội dung, đến chủ đích chung của vòng tròn, đến cảm xúc của bản thân và mọi người, và cũng bao hàm cả sự để tâm đến thời lượng, như là một cách chăm sóc lợi lạc chung của cả nhóm. Khi có ai đó chia sẻ quá dài, hay lan man, việc nhắc nhở sẽ đỡ cảm thấy “khó khăn” hơn, mà bạn sẽ chỉ cần nhắc lại thỏa thuận đã đặt ra từ đầu buổi: “Vòng tròn chúng ta để đảm bảo thời gian cho tất cả mọi người được lên tiếng, mỗi người mình hãy thực hiện thỏa thuận Chia sẻ với sự để tâm, để ý một chút đến thời gian khi chia sẻ, đi vào trọng tâm để các bạn sau cũng được chia sẻ nhé!”
Lưu ý nhỏ: khi nhắc nhở, hãy nói vào trung tâm vòng tròn và nhắc chung tất cả mọi người mà không hướng về riêng một cá nhân nào.
Người bảo hộ qua thời gian sẽ trở nên linh hoạt và nhạy cảm hơn với các tình huống cần can thiệp trong vòng tròn, từ đó cũng sẽ phát triển khả năng giải quyết vấn đề và đáp ứng với những tình huống bất ngờ một cách sáng tạo trong vòng tròn.
Ví dụ, khi mới bắt đầu làm điều phối hay bảo hộ vòng tròn, có thể bạn sẽ lúng túng khi gặp một người tham gia hơi “quậy” một chút, thi thoảng nói xen vào, hay nói lan man không đúng trọng tâm. Bạn có thể nhớ ra và sử dụng tiếng chuông một cách lúng túng để cố gắng dừng bạn ấy lại. Dần dần về sau, có thể bạn lại nghĩ ra một cách khác để nhắc nhở người bạn đó chia sẻ vào trọng tâm, hoặc đôi khi bạn cảm thấy những chia sẻ của bạn ấy cần thiết cho lợi lạc chung của vòng tròn, và cứ để bạn ấy nói, phần còn lại bạn sẽ điều chỉnh thời gian còn lại phù hợp hơn. Sự linh hoạt và sáng tạo sẽ nảy nở khi bạn luyện tập đủ lâu để thoải mái và tự tin dẫn dắt trong vòng tròn.
Từ sự quan sát và cảm nhận năng lượng của người tham gia, liệu dòng chảy năng lượng có đang quá thiên lệch về một người hay một nhóm nào hay không, có nơi nào đó trong vòng tròn không được chú ý đến, hay có năng lượng căng thẳng, tắc nghẽn ở đâu đó hay không…, người bảo hộ sẽ đưa ra lời mời dừng lại trong những quãng nghỉ phù hợp để cân bằng năng lượng nhóm.
Ví dụ, sau tiếng chuông, người bảo hộ có thể giải thích lý do cho việc mời gọi tiếng chuông này, chẳng hạn như: “Tôi để ý thấy chúng ta đã có một phiên thảo luận vô cùng tập trung và sôi nổi suốt một tiếng rưỡi. Hãy dành một vài phút để hít thở và check-in với cơ thể và sức khỏe của mình nhé!”
Hoặc: “Hãy cùng dừng lại và hít một vài hơi thở cùng những cảm xúc này với Minh. Xin ghi nhận và trân quý câu chuyện của bạn”.
Hay: “Một lời nhắc nhỏ là chúng mình vẫn còn 3 người chưa lên tiếng buổi hôm nay, vì thế xin mời mọi người lưu ý về thực hành “đóng góp vào lợi lạc chung của nhóm” để ai cũng có thể chia sẻ nhé!”
Người bảo hộ khi nhận thấy có những căng thẳng bắt đầu xuất hiện trong các phần chia sẻ, các thế đối lập bắt đầu được hình thành, sẽ cần có kĩ năng làm việc với các tình huống mâu thuẫn để đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong vòng tròn.
Ví dụ, trong một vòng tròn họp nhóm, khi có một người đề xuất một ý tưởng mới mẻ, một vài người hưởng ứng, một vài người tỏ ý lo ngại vì nó tốn nhiều thời gian, và có một người không nói gì. Dường như cuộc thảo luận của những người hưởng ứng và phản đối đã trở nên sôi nổi đến nỗi, mọi người gần như quên mất việc lắng nghe, và không để ý rằng có một thành viên vẫn chưa hề lên tiếng. Người bảo hộ rung chuông và nói “Tôi cảm thấy cần một vài phút tĩnh lặng. Có điều gì đó cần chúng ta chậm lại và để ý hơn ở đây.”
Sau khi quay trở lại, những người ủng hộ bắt đầu có sự cởi mở hơn để đón nhận những góc nhìn phản đối, và những người phản đối thì hạ tông giọng đỡ gay gắt hơn. Người ban nãy im lặng cuối cùng cũng tìm được một khoảng trống để lên tiếng: “Tôi thấy khá hứng thú với ý tưởng này, tuy nhiên có cảm giác gì đó vẫn còn gợn lên, hoài nghi về ý tưởng đó, mà tôi vẫn chưa gọi tên được một cách cụ thể nó ra.”
Tiến trình tiếp theo là nhóm tiếp tục đóng góp và lắng nghe góc nhìn từ nhiều phía, chứng kiến sự nảy nở thêm của những phản hồi mới và cuối cùng, có một bức tranh rõ ràng, toàn vẹn hơn về ý tưởng đó được hiện ra trước mặt tất cả mọi người.
Đó là một tiến trình vòng tròn khá “trôi chảy”. Có nghĩa là sẽ có những tình huống, sau khoảng tạm dừng và tiếng chuông, các bên vẫn chưa thể tự điều hòa cảm xúc và năng lượng vẫn còn căng ở trong vòng tròn. Khi đó người bảo hộ có thể đưa ra quan sát chân thật về những điều đang diễn ra, và mời gọi sự tham gia mang tính xây dựng và đồng kiến tạo của mọi người. Ví dụ: “Tôi thấy trong phần vừa rồi có một vài người chưa lên tiếng, chúng ta có thể tôn trọng sự tham gia của tất cả mọi người và mời bạn ấy chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ của mình trong phần này được không ạ?” . Việc chia sẻ và gọi tên những gì đang diễn ra trong vòng tròn một cách chân thật và tinh tế giúp củng cố và gia tăng sự tin tưởng vào vòng tròn cũng như vào tiến trình nhóm.
Và cuối cùng, để thực hiện tốt vai trò bảo hộ trong vòng tròn, một người cần thường xuyên luyện tập sự tự ý thức và phản tư - chiêm nghiệm về những trải nghiệm của chính mình để học hỏi và trưởng thành hơn trong vai trò bảo hộ cũng như trong cuộc sống. Thông thường, mỗi tình huống mà người bảo hộ cảm nhận sự căng thẳng hay khó chịu nào đó trong chính mình, đều là sự phản ánh của một khía cạnh bóng âm nào đó, một vấn đề nội tâm nào đó mà bạn cần tự đối diện và chăm sóc. Tương tự như vậy, sự sao nhãng, căng thẳng, bất an của một thành viên trong vòng tròn có thể là biểu hiện của phần bóng âm, khó khăn nội tâm nào đó của họ được kích hoạt. Khi bạn ý thức về nó và nhìn nó với sự tò mò, cởi mở, mong muốn thấu hiểu, bạn sẽ mở ra được nhiều góc nhìn mới mẻ và bài học thú vị về chính mình cũng như về tiến trình vòng tròn. Hành trình trở thành một người bảo hộ hay một người điều phối vòng tròn tốt, do đó cũng là hành trình khám phá và trưởng thành của chính bản thân mình.
Những khía cạnh bóng âm luôn được cảm nhận trước khi chúng được gọi tên một cách chuẩn xác. Khi có phần bóng âm bị rò rỉ vào vòng tròn, các thành viên trong nhóm có thể trông xao nhãng, buồn chán, căng thẳng hoặc bất an. Khi những triệu chứng về mặt năng lượng này xuất hiện, đó là lúc cần dừng lại, có một khoảng thời gian tĩnh lặng và phản tư, để mỗi người dành thời gian quay trở về và đứng vững trong vòng ranh giới của chính mình. (Tìm hiểu về bóng âm và sự phóng chiếu trong vòng tròn và nhóm - Meredith Jordan và Christina Baldwin).
Mình có trong mọi người, và mọi người có trong mình. Với hiểu biết đó, người bảo hộ tin vào khả năng của mình để tạo ra một không gian an toàn và tin cậy cho tất cả mọi người, cũng như tin tưởng vào năng lượng của vòng tròn sẽ nâng đỡ tất cả mọi người, trong đó có cả mình. Khi người bảo hộ cảm thấy có điều gì không ổn bên trong mình, điều đó có thể phản ánh điều gì đó không ổn ở trong vòng tròn, người bảo hộ tin tưởng vào cảm nhận của mình để đưa ra lựa chọn hành động hoặc lời mời tất cả mọi người cùng tạm dừng lại và hít thở.
Người bảo hộ đôi khi cũng gặp những tình huống nằm ngoài sự kiểm soát của mình, hay bản thân cảm thấy không chắc điều gì là đúng đắn mà mình có thể làm. Khi đó, hãy hít thở thật sâu, lắng nghe tiếng chuông, và tin tưởng vào sức mạnh của vòng tròn sẽ bao chứa tất cả mọi cảm xúc của mọi con người ở đây, và trí tuệ của vòng tròn sẽ dẫn dắt để mỗi người tìm ra câu trả lời cho chính mình.
—-------------------------------------
Đây là những kỹ năng đòi hỏi sự luyện tập và trau dồi thường xuyên trong quá trình điều phối và bảo hộ vòng tròn. Bạn sẽ sớm nhận thấy, những kĩ năng này cũng đồng thời giúp ích cho chúng ta như thế nào trong cả những cuộc gặp gỡ thông thường trong cuộc sống. Với vai trò là một người bảo hộ, không ai có thể làm nó hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên, hay luôn làm nó một cách hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Quá trình thực hành vai trò bảo hộ vòng tròn là quá trình học hỏi và làm sâu sắc hơn, thành thục hơn những kĩ năng này để có thể mời gọi chúng một cách tự nhiên trong những khoảnh khắc cần một tiếng chuông, hay một khoảng dừng ngay trong cuộc sống.