circle
Kiến thức

Chiêm nghiệm cá nhân: Một câu chuyện về Vật nói

Tròn Lành
4 phút

Phần lớn sức mạnh của quy trình vòng tròn nằm trong vật nói - thứ được chuyền lần lượt quanh vòng tròn khi ta mời mọi người phát biểu hoặc “pass” (bỏ qua).

Là một trainer, tôi thường nhận được thắc mắc về vật nói từ các giáo viên và những người điều phối vòng tròn: Tôi nên sử dụng loại đồ vật nào? Vật nói nên được truyền theo cách nào? Ai nên cầm nó lên trước? Tôi phải làm gì khi học sinh không tôn trọng vật nói? Và ở vị trí người điều phối, tôi nên làm gì khi học sinh tỏ ra thiếu tôn trọng mà tôi lại đang không cầm vật nói? Tôi có nên lên tiếng không, mặc dù chưa đến lượt?

Vì mục đích của các vòng tròn đều là chia sẻ câu chuyện nên tôi muốn trả lời các câu hỏi này bằng cách chia sẻ câu chuyện của riêng tôi:

Cách đây vài tuần, tôi hướng dẫn một nhóm giáo viên cấp hai về cách điều phối vòng tròn trong mảng cố vấn. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn và sử dụng vật nói. Một số giáo viên hỏi tôi rằng họ nên làm gì khi học sinh không tôn trọng vật nói - nghĩa là khi các em nói không theo lượt hoặc không tôn trọng quy trình của vòng tròn.

Thay vì đưa ra câu trả lời, tôi chuyền đi vật nói, bắt đầu với người bên trái. Tôi mời gọi cả nhóm chia sẻ những quan sát về “group dynamics” - biến chuyển tâm lý trong tương tác giữa các thành viên trong các vòng tròn cố vấn của họ, sự ủng hộ của học sinh và sự tôn trọng đối với vật nói. Với tư cách là những người điều phối vòng tròn, họ đã sử dụng vật nói như thế nào và họ đã phản ứng như thế nào khi học sinh không tôn trọng quy trình?

Các giáo viên đã mô tả loại vật nói mà họ sử dụng và chia sẻ những chiêm nghiệm về việc điều này dường như ảnh hưởng đến mối quan hệ của học sinh với vòng tròn như thế nào. Khi chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình, một giáo viên tự hỏi liệu vật nói mà cô ấy đang sử dụng có bắt mắt khiến học sinh mất tập trung vào vòng tròn hay không. Có lẽ việc chọn một đồ vật khác có thể giúp các em chú tâm hơn. Một giáo viên khác cảm thấy rằng vật nói của anh ấy (một cái mái chèo tượng trưng cho chuyến chèo thuyền mà nhóm đã tham gia vào đầu năm) đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Đó là một vật có ý nghĩa giúp gợi nhắc học sinh về tinh thần đồng đội mà họ đã cùng nhau xây dựng. (Một lợi ích phụ của mái chèo là chúng không thể dễ dàng trở thành vật phóng, một mối nguy mà đôi khi chúng ta phải đối phó trong vòng tròn.)

Người giáo viên thứ ba chia sẻ về vật nói của cô ấy, đó là một món quà từ con gái cô. Cô đã kể cho học sinh của mình câu chuyện về mối liên hệ giữa con gái cô với đồ vật này, nên các em hiểu món đồ này có giá trị như thế nào đối với cô. Do đó, cô cảm thấy học sinh của mình đối xử với món đồ này một cách tôn trọng.

Bằng cách lắng nghe những câu chuyện, các giáo viên nhận ra rằng kiểu vật  nói được sử dụng có thể ảnh hưởng đến cách học sinh đánh giá chúng. Khi đến lượt tôi, tôi chia sẻ vật nói của mình là một con rùa nhồi bông từ người cháu trai Darius 3 tuổi. Tôi kể với các học sinh trong vòng tròn của mình một chút về Darius và cách bé cho tôi mượn con rùa để làm vật nói ở trường.

Tôi nhận ra rằng câu chuyện này khiến các học sinh của mình (hầu hết trong độ tuổi thanh thiếu niên và không phải lúc nào cũng dễ thấy đồng cảm)  thể hiện sự trân trọng hơn với vật nói. Tôi cũng sử dụng con rùa để nói về những gì ta cần để hợp tác với nhau theo cách có thể khuyến khích ta thoát ra khỏi lớp mai của mình. Khi ai đó làm rơi con rùa hoặc giật nó quá mạnh, các em còn lại sẽ thở hắt, bày tỏ sự lo lắng hoặc bật ra những điều như "Ôi, điều đó sẽ khiến Darius không vui. Sự hiện diện của Darius chắc chắn được cảm nhận trong vòng tròn, và thường kèm theo một chút quan tâm dịu dàng.

Con rùa bông của Darius

Trước khi chuyền vật nói đi tiếp, thầy giáo bên phải tôi có một câu hỏi. Trước đó, anh ấy đã chia sẻ về một vài nam sinh trong lớp gặp khó khăn khi ngồi yên chờ vật nói đến tay. Anh ấy khăng khăng muốn mở thảo luận trong khi bây giờ tôi là người cầm vật nói. Tôi tiếp tục câu chuyện của mình. Sau đó, tôi lại chuyền con rùa theo vòng tròn, bắt đầu với người đàn ông bên trái tôi - mặc dù người giáo viên có câu hỏi (bên phải tôi) rõ ràng muốn tôi chuyển vật nói cho anh ấy. Khi tôi chuyền nói đi, anh ấy đã thốt ra một cách thiếu kiên nhẫn: "Đó là những gì tôi muốn hỏi" (nghĩa là, chuyền vật nói theo hướng nào). "Bằng việc chuyền vật nói sang bên trái, bạn đã trả lời câu hỏi của tôi. Bạn luôn chuyển vật nói theo một hướng duy nhất. Như vậy là độc đoán và rất tệ.”

Ngay sau khi chia sẻ điều đó, anh ấy bổ sung thêm, khá sững sờ: "Tôi đoán tôi cũng giống như các học sinh của mình khi không thể chờ đợi vật nói đến tay."

Sau đó, cả hai chúng tôi ngồi yên lặng, lắng nghe khi vật nói đi quanh vòng tròn. Một số giáo viên nói về cách họ chuyền vật nói theo cả hai cách  quanh vòng tròn. Những người khác chia sẻ nhiều suy nghĩ hơn về cách họ tạo ra sự đồng thuận, gắn kết học sinh và xây dựng các kỹ năng vòng tròn. Khi vật nói được truyền từ người này sang người khác, thầy giáo nọ phải ngồi yên với sự bộc phát của mình. Tôi ý thức được bản thân mình đã phải ngồi với sự khó chịu như thế nào khi nghe những gì anh ấy nói và cách tôi phản hồi lại.

Cuối cùng, khi người giáo viên nọ nhận lại được vật nói, anh ấy cảm ơn các đồng nghiệp vì đã chia sẻ suy nghĩ của họ về chiều di chuyển của vật nói. Những điều đó thực sự hữu ích. Tôi có thể thấy rằng anh ấy đã bình tĩnh lại đáng kể khi chuyển vật nói cho tôi. Tôi xin lỗi vì đã chuyền vật nói chỉ theo một chiều vào sáng hôm đó. Tôi nói thêm rằng tôi nghĩ mình đã chuyền nó theo những chiều khác nhau vào những dịp khác với nhóm này, và thậm chí có thể là ngay sớm hôm đó, nhưng điều đó tôi không chắc lắm. Tôi đã không chú ý kỹ.

Trong trường hợp cụ thể này, tôi đã giải thích rằng mặc dù thầy giáo nọ cảm thấy anh ấy cần phải lên tiếng ngay lập tức, điều này không có nghĩa là không có những người khác trong vòng tròn có thể cũng muốn chia sẻ, nhưng đang lặng lẽ chờ đến lượt mình và biết rằng vật nói rồi sẽ đến tay họ. Tôi giải thích rằng tôi cố gắng "lắng nghe" tất cả các tiếng nói trong vòng tròn, dù to dù nhỏ. Tôi liên hệ điều này với một bối cảnh xã hội rộng hơn, trong đó chúng ta có xu hướng lắng nghe và ghi nhận những tiếng nói to hơn là những tiếng nói nhỏ hơn. Vòng tròn có khả năng mang lại cơ hội bình đẳng về tiếng nói, và tôi tin tưởng vào việc duy trì và hỗ trợ cơ hội này bằng mọi cách có thể.

Sau đó, tôi chia sẻ thêm một lý do khác để chuyền vật nói chuyện chỉ theo một chiều khi đưa ra một số câu hỏi gợi mở cụ thể. Nếu lượt đầu tiên tôi chuyền từ bên trái, và sau đó đổi chiều khi mời gọi chia sẻ nhận xét, kết nối, suy nghĩ và cảm xúc, thì giáo viên bên phải tôi sẽ có cơ hội nói hai lần trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong khi giáo viên bên trái của tôi sẽ phải đợi gần hai lượt đi đầy đủ trước khi được chia sẻ. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng điều đó là không công bằng và nhận thấy rằng nó có thể làm gián đoạn dòng chảy của vòng tròn.

Một trong những điều mà vòng tròn mang đến cho chúng ta là không gian để phản tư. Do có thể không được phản hồi ngay lập tức, chúng ta buộc phải ngồi lại với cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng của mình. Tôi thấy có nhiều điều có thể học hỏi trong lúc này, và tôi đã nghe được từ những người khác, cả người lớn và học sinh, rằng theo thời gian, họ cũng học được cách đánh giá cao việc này. Thầy giáo nọ và tôi đã chia sẻ một vài khoảnh khắc không thoải mái trong vòng tròn hôm đó, nhưng tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi, cũng như những thành viên khác, đều có được những góc nhìn sâu sắc từ trải nghiệm.

Về tác giả:

Marieke van Woerkom là trainer, người khai vấn tại Morningside Center for Teaching Social Responsibility. Marieke đã làm việc 25 năm trong các lĩnh vực trao đổi văn hóa, chuyển hoá xung đột, công bằng xã hội, bình đẳng chủng tộc và nhân quyền.

Cô có bằng thạc sĩ kép về Nhân chủng học Văn hóa và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Amsterdam, tập trung vào tâm lý xã hội và chuyên về bản sắc nhóm và mối quan hệ giữa các nhóm.

circle

Nhận bản tin hàng tháng và các tài nguyên hữu ích từ Tròn Lành