"Lần gần đây nhất bạn có một trải nghiệm đội nhóm cực kì ý nghĩa là khi nào? Yếu tố gì làm nên trải nghiệm ý nghĩa đó?"
"Công việc thực sự tạo ra kết quả."
"Mình rất muốn làm việc cùng những con người ấy."
"Mình học được rất nhiều điều bổ ích."
Câu trả lời từ mọi người hầu như sẽ nằm trong những câu trả lời trên. Nếu bạn là một team leader, một người quản lý, và đang đọc bài viết này, ắt hẳn bạn cũng rất tò mò về câu hỏi: Điều gì tạo nên một trải nghiệm đội nhóm thực sự ý nghĩa cho đồng nghiệp của mình? Mình cần phải để ý đến điều gì?
Trải nghiệm 12 năm học tập và làm việc trong môi trường đa quốc gia, từ các dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần đến các sự kiện giáo dục trải nghiệm dài ngày, hợp tác với đồng nghiệp từ đa dạng các lĩnh vực, đều khiến mình thấm thía 3 điểm chung rõ rệt trong tất cả các trải nghiệm đội nhóm: Kết quả rõ ràng - Quan hệ tin tưởng - Đề cao tinh thần học hỏi.
Ba yếu tố này được mô tả trong mô hình "High-Performance Team Model" bởi Kathy Jourdain và Jerry Nagel (Worldview Intelligence). Để một đội nhóm thực sự tạo nên những kết quả cao, rất nhiều lãnh đạo sẽ tập trung vào các cách để tạo ra ngay "kết quả" đó: Cách đo đạc kết quả là gì? Cách để quản lý kết quả? Các KPI, OKR sắp tới là gì? Chúng ta cần hoàn thành gì? Chúng ta chưa làm được gì? Kết quả vẫn đạt được nhưng một hiện thực ngày một rõ ràng: Đội nhóm càng ngày burn-out, nhân viên nghỉ việc vì áp lực.
Mô hình trên chỉ ra hai yếu tố thường bị lãng quên trong chiến lược xây dựng văn hóa đội nhóm: Yếu tố quan hệ (relationship) và yếu tố học hỏi (learning). Như cách ví von trong mô hình, kết quả chỉ nằm ở bề nổi và được quyết định bởi hai yếu tố bề chìm: (1) Khả năng đội nhóm có tin tưởng và hỗ trợ được nhau và (2) Khả năng đội nhóm, bao gồm cả từng cá nhân, học hỏi liên tục. Hai yếu tố này là gốc rễ để tạo nên kết quả cao và bền vững về lâu dài.
Nghiên cứu phân tích mạng lưới (network analysis), theo tựa sách Awakening Compassion at Work (2017), chỉ ra rằng các mối quan hệ tin tưởng trong đội nhóm giúp hỗ trợ thông tin được chia sẻ cởi mở, đồng thời tạo điều kiện cho các hành vi trắc ẩn (compassionate acts) diễn ra nhiều hơn, tạo nên một môi trường làm việc bền bỉ về mặt tinh thần.
Chất lượng mối quan hệ, cụ thể ở đây là sự tin tưởng, còn ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức nhân viên - cách nhân viên suy nghĩ cho nhau và cũng như suy nghĩ cho khách hàng khi gặp thách thức chung và riêng (Forbes, 2019).
Ngoài ra, yếu tố học hỏi trong môi trường đội nhóm đảm bảo đẩy nhanh tiến trình học hỏi từ thử nghiệm, học hỏi từ nhau, dẫn tới các yếu tố sáng tạo và đổi mới trong quá trình làm việc. Theo một bài viết từ Matt Terry cho tờ báo Business Leadership Today, yếu tố văn hóa đội nhóm trên ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm nhân viên, từ đó còn chi phối khả năng giữ chân nhân tài của các doanh nghiệp, tổ chức. Tính dây chuyền về mặt ảnh hưởng của văn hóa đội nhóm là điều không thể bỏ qua trong chiến lược lãnh đạo của bất kì tổ chức nào.
Như vậy, người lãnh đạo cần để ý xây dựng văn hóa đội nhóm đề cao sự tin tưởng, chia sẻ và học hỏi để thực sự tạo ra được những kết quả quan trọng và bền vững cho doanh nghiệp, tổ chức hay cộng đồng của mình.
Vậy câu hỏi là, để có thể ứng dụng mô hình này vào thực tiễn thì cần những gì?
Câu trả lời là chúng ta cần những THỰC HÀNH VĂN HÓA NỀN TẢNG về 3 khía cạnh: An toàn tâm lý, Kết nối và Đồng kiến tạo. 3 thực hành nhóm này là các điểm giao thoa để tác động đồng thời lên việc tạo nên một môi trường tin tưởng, liên tục học hỏi và tạo ra kết quả ý nghĩa cùng nhau.
3 thực hành sau là các thực hành CỤ THỂ về mặt giao tiếp để các đội nhóm có thể bắt đầu ứng dụng vào trong môi trường làm việc của mình. Ở đây, chúng ta sẽ nhìn sâu và cụ thể vào xu hướng giao tiếp và cách mà các tương tác giao tiếp diễn ra trong một đội nhóm.
"The quality of our culture is found in the quality of our conversation."
Một lưu ý là 3 thực hành sau không hề dễ dàng và đòi hỏi một mức độ cam kết và trách nhiệm lớn từ không chỉ người lãnh đạo mà còn những thành viên trong đội nhóm cùng nhau.
AN TOÀN TÂM LÝ
Thực hành An toàn tâm lý là tập hợp các thực hành cơ bản về mặt tư duy và giao tiếp giữa các thành viên trong đội nhóm để đạt được mục tiêu: Tất cả các thành viên nhận được sự tôn trọng nền tảng là một con người toàn vẹn, riêng biệt, có đầy đủ các tố chất để phát triển và sẵn sàng cống hiến vì những điều ý nghĩa cho họ. Trong thực hành An toàn tâm lý, chúng ta hướng tới việc xây dựng một môi trường mà ở đó, sự đa dạng về góc nhìn và trải nghiệm là một tài sản quan trọng của đội nhóm, mâu thuẫn được nhìn nhận là cơ hội để phát triển và mối quan hệ bình đẳng giữa người-người là điều đương nhiên cần phải có.
Cụ thể hơn nữa về mặt hành vi, thực hành an toàn tâm lý thể hiện rõ qua các trường hợp như sau:
Về mặt cơ chế, có thể quan sát thấy thực hành an toàn tâm lý khi một đội nhóm liên tục có các cuộc thảo luận và đối thoại về thiên kiến-định kiến, làm rõ các giả định, góc nhìn và thế giới quan đa dạng của nhau. Thực hành an toàn tâm lý coi trọng "sự lắng nghe" và "thấu hiểu" trước nhất, và đề cao việc tạo ra các không gian giao tiếp như vậy trong đội nhóm.
KẾT NỐI
Thực hành Kết nối là tập hợp các thực hành giao tiếp đề cao cơ hội chia sẻ sự chân thật, mở lòng và quan tâm giữa các thành viên với nhau. Trung tâm của thực hành Kết nối là khả năng của một đội nhóm trong việc chia sẻ suy tư cá nhân, cảm xúc và cảm hứng cùng nhau trong không gian giao tiếp. Rất nhiều đội nhóm chỉ đợi đến các chương trình retreat để "kết nối" mà không chú trọng đến việc tạo nên các cơ hội thực hành kết nối hằng ngày, hoặc lâu hơn một chút là hằng tuần, cho các thành viên của mình. Việc thực hành kết nối "ăn xổi ở thì" như vậy chẳng những không có tác dụng lâu dài mà còn khiến các thành viên cảm thấy bị ép buộc. Thực hành Kết nối là thực hành lâu dài và cần bắt đầu từ những bước nhỏ.
Cụ thể hơn về mặt hành vi, thực hành kết nối thể hiện rõ qua các hành động/hành vi sau:
You cannot hate the person whose story you know.
Về mặt cơ chế, môt đội nhóm có ý thức về thực hành kết nối sẽ thường xuyên mở ra các vòng chia sẻ ngắn (check-in) đầu-cuối ngày, hoặc đầu-cuối tuần, để các thành viên chia sẻ nhu cầu và đóng góp sự hỗ trợ cho nhau. Người lãnh đạo đề cao sự linh hoạt và hỗ trợ giữa các thành viên, thường xuyên mở ra các vòng tròn thảo luận về cách môi trường làm việc có thể lành mạnh hơn cho nhân viên của họ. Ngoài ra, có thể thấy một lộ trình rõ ràng về việc hỗ trợ các nhân viên kết nối với nhau qua các buổi gắn kết-chia sẻ mỗi tháng, các chương trình retreat hàng năm.
Thực hành kết nối đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tin tưởng và trắc ẩn giữa các thành viên, góp phần xây dựng tính linh hoạt trong quá trình làm việc. Nhân rộng ra, nhân viên có sự tin tưởng và đối xử trắc ẩn với nhau thì sẽ tạo được giá trị tương đương cho các khách hàng và đối tác.
ĐỒNG KIẾN TẠO
Thực hành Đồng kiến tạo là tập hợp các tiến trình giao tiếp để mời gọi sự đóng góp và chia sẻ của tất cả các thành viên trong một đội nhóm. Thực hành Đồng kiến tạo là thực hành cốt lõi khi giải quyết các vấn đề phức tạp và cần có góc nhìn từ nhiều bên. Tư duy cốt lõi của thực hành Đồng kiến tạo là người lãnh đạo không hẳn là người biết nhiều nhất, không phải là người luôn luôn đúng, nhưng là người biết cách mời gọi các góc nhìn và trí tuệ ẩn chứa trong nhóm để đóng góp cho một mục tiêu chung. Một đội nhóm có tư duy Đồng kiến tạo sẽ luôn đặt câu hỏi: "Còn góc nhìn nào còn thiếu không? Còn trí tuệ/tri thức nào còn đang chưa được khai thác trong nhóm không?".
Biểu hiện cụ thể của thực hành Đồng kiến tạo qua các hành vi/hành động sau:
Thực hành Đồng kiến tạo chỉ có kết quả khi các thành viên thấy rõ các ý kiến, góc nhìn của họ đang đóng góp cụ thể như thế nào vào quá trình làm việc, một quyết định hay một kết quả đầu ra của dự án. Điểm mù lớn nhất của thực hành này là lấy ý kiến cho có, tham gia cho có tinh thần, còn phần quyết định vẫn chỉ do người lãnh đạo quyết định theo ý muốn chủ quan của mình.
TẠM KẾT
Văn hóa tổ chức không năm trên giấy tờ, hay những giá trị sáo rỗng. Văn hóa tổ chức thể hiện qua các "thực hành" cụ thể trong cách mà những thành viên trong tổ chức giao tiếp với nhau. Với 3 thực hành văn hóa tổ chức trên, hi vọng chúng ta có một bộ khung cụ thể để soi chiếu hành vi của đội nhóm với giá trị mà chúng ta đang theo đuổi. Đồng thời, với mỗi người lãnh đạo, điều chúng ta cần làm là soi chiếu tư duy và thế giưới quan của chính mình, đặt câu hỏi tự vấn bản thân: Mình đang thực sự là chất xúc tác hay là chất cản trở trong chính quá trình đội nhóm phát triển.
Nguồn trích dẫn:
Brownlee, D. (2019). 5 Reasons Why Trust Matters on Teams. Forbes. Retrieved from https://www.forbes.com/sites/danabrownlee/2019/10/20/5-reasons-why-trust-matters-on-teams/?sh=c55fd532d605
Business Leadership Today. (n.d.). Why a Learning Culture is So Important for Success. Retrieved from https://businessleadershiptoday.com/why-a-learning-culture-is-so-important-for-success/
Managers & Leaders. (n.d.). The Three Pillars of a Learning Culture. Retrieved from https://managersandleaders.com.au/the-three-pillars-of-a-learning-culture/#:~:text=The%20beliefs%20that%20a%20learning,to%20evolve%20as%20a%20collective.
Edmondson, A. (2018). The Four Stages of Psychological Safety: Defining the Path to Inclusion and Innovation. Wiley.
Block, P. (2018). Community: The Structure of Belonging. Berrett-Koehler Publishers.
Worldview Intelligence. (n.d.). The Sweet Spot Between Relational Leadership, Work, and Learning for High-Performance Teams. Retrieved from https://worldviewintelligence.com/the-sweet-spot-between-relational-leadership-work-and-learning-for-high-performance-teams/
Worline, M. C., & Dutton, J. E. (2017). Awakening Compassion at Work. Berrett-Koehler Publishers.
Duhigg, C. (2016). What Google Learned From Its Quest to Build the Perfect Team. The New York Times Magazine. Retrieved from https://www.nytimes.com/2016/02/28/magazine/what-google-learned-from-its-quest-to-build-the-perfect-team.html